Bỏ qua nội dung

ARS-MU 1-3: PHẢN CÔNG!

Tháng Hai 2, 2010

(AFCVN) – Phản công là 1 trong 5 chiến thuật cơ bản để tấn công và ghi bàn trong bóng đá (4 chiến thuật kia là cầm bóng gây áp lực, chuyền dài vượt tuyến, chạy cánh căng ngang và tình huống cố định) nên một đội bóng ghi được nhiều bàn thắng từ phản công nhanh hay bị lọt lưới nhiều từ phản công nhanh tức đội bóng đó đang sở hữu (hay vướng phải) những vấn đề cơ bản về vị trí và chiến thuật.

Trong số những bàn thua mà Arsenal nhận từ đầu mùa đến nay có đến 40% đến từ những pha phản công nhanh (trong đó những nỗi đau gần nhất là bàn thua trong trận Everton và 2 bàn trong trận ManU). Điều này chứng tỏ hệ thống phòng ngự của Arsenal chưa có những chuẩn bị tốt cho các tình huống này.

Về khía cạnh kỹ thuật, phản công nhanh không giống với lối đá chuyền dài vượt tuyến ở chỗ ở lối đá chuyền dài. Ở lối đá vượt tuyến bóng được chuyền trực tiếp cho cầu thủ trung phong, anh này sẽ dùng sức mạnh, chiều cao để vượt qua hậu vệ hay làm tường để cầu thủ tuyến sau lao lên dứt điểm. Để chống lại điều này, bên phòng ngự cần luôn để mắt tới trung phong đối phương. Điểm khó nhất để làm điều này là bên phòng ngự luôn phải tập trung đủ 90 phút (vì các trung phong luôn rất 'ma lanh'), ngoài ra còn cần đủ khả năng để tranh bóng với trung phong. Mẫu tiền đạo như Drogba (mạnh mẽ) nếu đá phản công rất tuyệt vì kèm anh này rất khó khăn.

Về khía cạnh này, Arsenal sau khi có Vermaelen đã có 1 câu trả lời rất hiệu quả khi sức bám sát, khả năng đánh đầu và tranh chấp thể lực của anh với trung phong là rất tốt. Ngoài ra anh luôn giữ được tập trung cao độ.

Còn ở lối đá phản công nhanh bóng sẽ được chuyền tối thiểu là qua 2 nhịp, trong đó bóng chuyền tới chân cầu thủ 'cầu nối' là tối quan trọng. Từ cầu thủ 'cầu nối' bóng sẽ được phân phối tới điểm thuận lợi (không có cầu thủ đối phương cản đường) để các đồng đội tăng tốc áp sát khung thành đối phương. Trong tình huống này, sự đối phó của các cầu thủ phòng ngự khá khó khăn vì họ phải 'đuổi theo' cầu thủ đối phương bị động chứ không chủ động đối mặt với đối phương nên việc bọc lót là rất khó khăn.

Để kiểm soát tình huống này, vấn đề cơ bản là làm sau 'phong tỏa' cầu thủ 'cầu nối' khiến anh này không dễ dàng chuyền bóng thuận lợi cho đồng đội, việc thứ 2 cần làm là những cầu thủ phòng ngự có tốc độ cao sẽ tăng tốc và bám sát cầu thủ nhanh nhẹn của đối phương để tránh họ tăng tốc vượt mặt.

Kỹ thuật chính để 'phong tỏa' cầu thủ 'cầu nối' là đứng sát anh này (trong khoảng cách 2m) và không để anh ta nhận bóng thuận lợi. Nếu anh ta có khả năng cầm được bóng thì cố gắng dùng tiểu xảo (ôm người, tì người, che người, làm giảm tốc độ) không để anh ta chuyền bóng tốt. Trong trận ManU, Rooney là cầu thủ làm cầu nối và anh ta xử lý thành công đến hơn 90% đường chuyền hướng tới tận dụng kỹ năng 'làm cầu' của anh. Việc Clichy đứng qua xa Rooney và không kiên quyết ngăn chặn khiến mỗi pha phản công của ManU đều cực kỳ nguy hiểm.

Sau khi đối phương đã triển khai bóng thì các cầu thủ Arsenal hối hả chạy về như 'đàn ong vỡ tổ' mà không rõ ai phải bám ai, ai phải kèm ai. Đây chính là vấn đề sau trận đấu SAF đã hỉ hả nói 'Tôi có cảm giác là họ không biết phòng ngự trong tình huống phản công nhanh'.

Dĩ nhiên trong trận đấu ManU chúng ta có những sai lầm cá nhân nhưng nói chung trận thua này vấn đề chính là những sai lầm mang tính hệ thống. Và dĩ nhiên khác phục không phải là điều dễ dàng.

Như nhận xét của Alen Hansen, Arsenal đã không có sự phân công cần thiết về việc bố trí những cầu thủ phải làm gì trong tình huống đội nhà tấn công sâu trong phần sân đối phương. Thông thường, thủ lĩnh hàng phòng ngự (như Tony Adams, Terry, Carragher, Rio sẽ phân công điều này trước khi họ lên tấn công), nếu không được thì đội trưởng (Mẫu như G.Barry…) sẽ phân công. Còn nếu không thể nữa thì HLV sẽ phân công từ đầu trận nhưng điều này thường không sát với diễn biến trận đấu.

Ở Arsenal, sau khi bị tước băng đội trưởng Gallas đá đá tốt hơn hẳn nhưng anh không còn tham gia lãnh đạo nữa, Cesc cũng chưa làm được điều này và kết quả là Arsenal khá mỏng manh. Rủi thay là SAF đã phát hiện ra điều đó và Arsenal đã bị 'trừng phạt'.

Vấn đề này hiện nay không chỉ các đối thủ thấy mà Arsenal cũng đã thấy. Và điểm then chốt hiện nay là tốc độ khắc phục của Arsenal nhanh hay tốc độ khai thác của đối thủ tốt hơn và đối phương có đủ 'con bài' để tận dụng được điều đó hay không.

Nhưng dù sao chúng ta vẫn bước vào trận đấu với Chelsea vào cuối tuần sau với 1 cảm giác tươi mới và sứ mệnh 'làm lại từ đầu' như hồi tháng 11.

Niềm hy vọng không bao giờ tắt…

*DiepKhai* (forum AFCVN)

From → Thông Tin

Đã đóng bình luận.